Ga Yên Viên, theo một số tài liệu ghi nhận Ga được xây dựng năm 1902 và đi vào hoạt động năm 1903, không lâu sau khi Cầu Long Biên (lúc đó được gọi là Doumer) đi vào hoạt động. Như vậy tính đến hiện nay, Ga đã hoạt động được 110 năm.
Ga Yên Viên xưa được xây dựng trên đất thuộc tổng Yên Viên, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong tổng cộng “7 ga chính, 27 ga xép và 12 điểm dừng” của tuyến ĐS Hà Nội - Lào Cai dài 296 km. Ga Yên Viên nằm song song bên quốc lộ 1A về phía tây với chiều dài gần 3 km. Giáp cột hiệu phía nam là cầu Đuống, phía Bắc giáp với địa phận Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ga nằm giữa nhiều nhà máy xí nghiệp, kho tàng quan trọng và có vị trí hết chiến lược ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, lại là đầu mối bốn tuyến ĐS nối liền các vùng miền, thành phố lớn nhất của miền bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Thái Nguyên.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân cũng mở ra cho ga Yên Viên những vận hội mới. Đoạn đường sắt từ ga Yên Viên đến cảng Cái Lân là đoạn đường sắt quan trọng, nối liền các tỉnh miền núi giáp Tây Nam Trung Quốc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng phía Bắc sông Hồng tới miền duyên hải Đông Bắc - nơi có nền công nghiệp đang phát triển mạnh và có cảng Cái Lân (cảng nước sâu vào loại lớn nhất miền Bắc).
Việc nối thông đường sắt từ Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long với cảng Cái Lân mang lại hiệu qủa thiết thực cho vận tải đường sắt trên toàn tuyến, đặc biệt là vận tải hàng hóa từ cảng nước sâu đến vùng kinh tế phía Tây: Yên Bái - Lào Cai và vùng Vân Nam, Trung Quốc. Đó sẽ là những cơ hội thuận lợi để ga Yên Viên ngày càng phát triển, trở thành một trong những ga lớn của đường sắt Việt Nam.